Cách làm hồ sơ xin việc cho sinh viên, người mới ra trường

24/06/2024

Bài viết cung cấp những giấy tờ cần thiết và cách làm hồ sơ xin việc ấn tượng, giúp sinh viên tự tin hơn khi ứng tuyển vào các vị trí công việc mong muốn.

ho-so-xin-viec-cho-sinh-vien-moi-ra-truong

I. Bộ hồ sơ xin việc cho sinh viên gồm những gì?

Khi bắt đầu đi làm, hầu hết mọi người đều cần chuẩn bị hồ sơ xin việc. Các giấy tờ trong hồ sơ xin việc liên quan đến lý lịch cá nhân và đơn ứng tuyển.

Thông thường, một bộ hồ sơ xin việc chuẩn sẽ bao gồm 7 loại giấy tờ sau:

- Đơn xin việc

- Bản sao Căn cước công dân (cần công chứng)

- Sơ yếu lý lịch (cần công chứng)

- Bản sao bằng cấp, chứng chỉ (cần công chứng)

- Giấy khám sức khỏe còn hiệu lực

- Ảnh hồ sơ xin việc

- CV xin việc

Lưu ý: Hồ sơ xin việc có thể mua tại cửa hàng sách, văn phòng phẩm hoặc tự in sau khi tải mẫu hồ sơ chuẩn trên mạng.

II. Cách làm hồ sơ xin việc cho sinh viên

Tất cả thông tin cá nhân của ứng viên sẽ được tổng hợp trong hồ sơ xin việc, do đó khi làm hồ sơ, bạn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng giấy tờ. Đặc biệt, các giấy tờ có yêu cầu công chứng cần đảm bảo chính xác về mặt pháp lý.

1. Đơn xin việc

Rất nhiều bạn sinh viên nhầm lẫn đơn xin việc với CV xin việc. Đơn xin việc thường chỉ đề cập tới thông tin của người gửi, người nhận, vị trí công việc mong muốn, mục tiêu nghề nghiệp, liệt kê một số thành tích nổi bật đạt được từ công việc cũ hoặc trong quá trình học tập.

2. Bản sao Căn cước công dân

Căn cước công dân cần được photo công chứng để xác nhận lý lịch của ứng viên, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy tờ từ phía nhà tuyển dụng.

3. Sơ yếu lý lịch

Bản sơ yếu lý lịch là biểu mẫu ghi thông tin cá nhân của ứng viên, gồm danh tính, quê quán và hoạt động Đoàn, Đảng (nếu có). Một số công ty sẽ yêu cầu sơ yếu lý lịch phải được công chứng trong vòng 3 - 6 tháng gần nhất.

4. Bản sao bằng cấp

Các loại bằng cấp, chứng chỉ như: bằng Đại học/Cao đẳng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ,... cần được photo và công chứng tại xã, phường nơi cư trú.

Đây đều là những giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ xin việc, là bằng chứng cho các thông tin được khai báo trong sơ yếu lý lịch, CV xin việc.

5. Giấy khám sức khỏe

Giấy khám sức khỏe là căn cứ đảm bảo ứng viên có đủ sức khỏe để làm việc. Giấy khám sức khỏe phải được cơ sở y tế, bệnh viện hoặc trạm y tế xác nhận và có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Tại Hà Nội, có rất nhiều bệnh viện chuyên cung cấp dịch vụ khám Giấy khám sức khỏe khi xin việc như:

  • Bệnh viện Bạch Mai: 78 Đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng

  • Bệnh viện E: 87-89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy

  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Số 1, Phố Tôn Thất Tùng, Đống Đa

6. Ảnh hồ sơ xin việc

Ảnh hồ sơ xin việc là ảnh chụp chân dung có kích thước 3x4 hoặc 4x6, được dán lên sơ yếu lý lịch và bìa hồ sơ. Đây là phần không thể thiếu trong hồ sơ xin việc vì thông qua hình ảnh này, nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn tổng quan về ứng viên.

Một vài lưu ý khi chụp ảnh thẻ xin việc:

  • Mặc trang phục đơn màu, không có quá nhiều hoa văn hay họa tiết rườm rà.

  • Vén tóc để lộ gương mặt, không che đi các đặc điểm quan trọng như tai hay mắt.

  • Tránh đeo quá nhiều trang sức, đặc biệt là trên tai và cổ. Không nên đeo khuyên môi hay khuyên mũi khi chụp ảnh thẻ xin việc.

7. CV xin việc

CV là tài liệu quan trọng khi ứng tuyển xin việc. Để có một chiếc CV xin việc chuyên nghiệp, bạn cần cung cấp đầy đủ các mục thông tin sau:

  • Thông tin cá nhân: Bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, thông tin liên hệ (email, số điện thoại).

  • Mục tiêu nghề nghiệp: Đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn hoặc dài hạn của bạn, sao cho phù hợp với yêu cầu công việc.

  • Thông tin về học vấn: Ghi rõ tên trường đại học/cao đẳng bạn theo học, ngày bắt đầu - kết thúc hoặc dự kiến năm tốt nghiệp, tên chuyên ngành.

  • Kinh nghiệm làm việc: Hãy chọn lọc những kinh nghiệm quan trọng và có liên quan đến vị trí ứng tuyển.

  • Kỹ năng và sở thích: Ghi các kỹ năng, điểm mạnh của bạn như kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và các sở thích cá nhân trong CV (nếu có).

  • Chứng chỉ và thành tích: Liệt kê tên chứng chỉ bạn đạt được, do tổ chức nào cấp, được cấp năm bao nhiêu. Chẳng hạn, chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0, TOEIC 900 (2022).

Kết luận:

Chuẩn bị hồ sơ xin việc chuyên nghiệp là bước đầu tiên và quan trọng nhất đối với các bạn sinh viên khi bước vào thị trường lao động. Nắm rõ những yêu cầu từ nhà tuyển dụng và chuẩn bị kỹ càng trước buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt.

Hy vọng bài viết trên đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc. Chúc bạn sớm tìm được cơ hội nghề nghiệp mơ ước.

Bài viết khác

Xem thêm