Cách viết CV xin việc cho sinh viên ngành xây dựng chuẩn, ấn tượng
28/03/2024
Bước đầu để gây ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng chính là chuẩn bị một CV chỉn chu, đầu tư và nổi bật. Hãy cùng khám phá thêm về top mẫu CV xin việc cho sinh viên ngành xây dựng trên cổng việc làm trường Cao đẳng Xây dựng số 1 nhé!
CV xin việc cho sinh viên ngành xây dựng cần có những gì?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về những thông tin cần có trong một bản CV chuẩn đối với sinh viên ngành xây dựng.
1. Thông tin cơ bản
Đây là phần thông tin bắt buộc cần có trong CV tất cả các ngành, bao gồm tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ cư trú, thông tin liên lạc (số điện thoại, email, link trang web cá nhân,...) của ứng viên.
Ở phần này, ứng viên cần viết một cách ngắn gọn, súc tích, tránh đưa vào những thông tin không cần thiết (cung hoàng đạo, số chủ đạo, tình trạng hôn nhân,...). Bên cạnh đó, các yếu tố như ảnh profile, email cũng cần chỉn chu. Tuyệt đối đừng sử dụng ảnh selfie, ảnh qua chỉnh sửa quá nhiều hay những email thiếu chuyên nghiệp, gây "mất điểm" trong mắt nhà tuyển dụng nhé.
2. Trình độ học vấn
Ở phần này, ứng viên cần liệt kê những thông tin liên quan đến quá trình học tập của bản thân. Ví dụ:
- Trường: Cao đẳng Xây dựng số 1
- Thời gian học tập: 09/2017 - 06/2019
- Chuyên ngành: Họa viên kiến trúc
- Tốt nghiệp loại: Khá
Các bạn lưu ý trong phần này, đề mục nên được sắp xếp chỉn chu, logic. Nếu có điểm GPA cao, bạn có thể thêm vào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé. Bên cạnh đó, nếu bạn đã từng tham gia các khóa học ngắn liên quan đến chuyên ngành hoặc vị trí ứng tuyển (VD thiết kế đồ họa, dự toán, học revit,...) thì cũng nên ghi vắn tắt qua để nhà tuyển dụng nắm được thông tin. Từ đó, tăng khả năng được nhận của bản thân nhé.
3. Kinh nghiệm làm việc
Đối với sinh viên mới ra trường chưa có quá nhiều kinh nghiệm, bạn có thể đưa ra thông tin về những hoạt động thực tập hoặc công việc làm thêm của bản thân một cách phù hợp. Hoặc nếu bạn từng tham gia vào một số dự án, đồ án thực tế nào đó, bạn cũng có thể liệt kê vào CV của mình, chú ý ghi rõ vị trí công việc của bản thân trong dự án đó nhé. Ví dụ:
- Dự án: Mái ấm tình thương
- Thời gian: 04/2018 - 09/2018
- Địa điểm: Xã biên giới Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
- Mô tả công việc: Lên bản thiết kế và phối hợp xây dựng một căn nhà cho một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (Công việc có sự hợp tác của cán bộ địa phương và các tình nguyện viên khác)
Còn với người đã có kinh nghiệm, những thông tin cần được đưa vào CV sẽ cụ thể hơn. Bạn cần nêu rõ tên công ty/ tổ chức/ doanh nghiệp đã từng công tác, vị trí và thời gian làm việc, mô tả sơ lược về công việc đã làm cũng như những thành tựu đã đạt được (nếu có). Ví dụ:
- Tên công ty: Công ty cổ phần xây dựng XYZ
- Vị trí: Kĩ sư giám sát thi công
- Thời gian làm việc: 08/2019 - 07/2021
- Mô tả công việc:
+ Giám sát quá trình thi công
+ Báo cáo tiến độ công việc theo tháng và khi kết thúc dự án
+ Quản lí hồ sơ chất lượng công trình và hồ sơ quyết toán
+ Kết nối với các nhà thầu, các bên cung cấp thiết bị, nguyên vật liệu
+ Đảm bảo số lượng, mẫu mã của các thiết bị, nguyên vật liệu cần thiết...
Tương ứng với mỗi công việc đã làm qua, bạn hãy trình bày kinh nghiệm làm việc ngắn gọn trong CV để nhà tuyển dụng có cái nhìn bao quát nhất về quá trình làm việc cũng như bề dày kinh nghiệm của bạn.
4. Mục tiêu nghề nghiệp
Ở phần mục tiêu nghề nghiệp, ứng viên cần viết những dự tính, mục tiêu, định hướng tương lai của bản thân. Đồng thời, bạn cũng nên đưa ra cách thức, hành động trong quá trình thực hiện những dự định kể trên. Những thông tin này cần viết một cách ngắn gọn, đi vào đúng trọng tâm để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp với vị trí công việc đang nhắm đến.
5. Kỹ năng chuyên môn
Đây là phần để ứng viên "PR" về bản thân và chứng minh mức độ phù hợp của bản thân với vị trí ứng tuyển. Riêng với ngành xây dựng, một số bộ kỹ năng cần có trong CV là:
- Kỹ năng cứng: Tính toán, vẽ và mô hình hóa thiết kế; Thành thạo các phần mềm thiết kế; Hiểu biết về các loại vật liệu; Kiến thức về an toàn xây dựng;...
- Kỹ năng mềm: Giao tiếp - Hợp tác; Quản lý thời gian; Làm việc nhóm; Giải quyết vấn đề; Đàm phán; Tư duy phản biện; Khả năng làm việc dưới áp lực;...
6. Một số thông tin khác
Bên cạnh những thông tin bắt buộc phía trên, ứng viên cũng có thể nêu thêm một số điểm mạnh của bản thân như kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, khả năng ngoại ngữ,... Hoặc, những sở thích trong CV (thể thao, đọc sách, khám phá cái mới,...) để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.