Hướng dẫn cách giới thiệu bản thân dễ ăn điểm khi đi phỏng vấn

17/04/2024

Khác với việc viết CV hay email xin việc thông thường, giai đoạn phỏng vấn được coi là "gay cấn" hơn, khiến nhiều người phải bồn chồn, lo lắng. Vậy sau đây, Cổng việc làm trường Cao đẳng Xây dựng số 1 sẽ chia sẻ với các bạn về một số tips giới thiệu bản thân khi phỏng vấn đầy đủ, ấn tượng và dễ "ghi điểm" nhé.

gioi-thieu-ve-ban-than-trong-cv

I. Kinh nghiệm giới thiệu bản thân khi phỏng vấn

Khi bước vào buổi phỏng vấn, thông thường nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn nói đôi nét về bản thân. Để phần giới thiệu thật ấn tượng và không bị quá đại trà, bạn có thể tham khảo một vài lưu ý sau đây:

1. Chú ý thái độ khi phỏng vấn

Thái độ là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng ngay từ những phút đầu tiên. Hãy bắt đầu bằng một lời cảm ơn để cho thấy bạn trân trọng cơ hội công việc này như thế nào. Đồng thời, khi đến phỏng vấn, hãy luôn giữ phép lịch sự, thái độ khiêm tốn, nhã nhặn với tất cả mọi người.

2. Giới thiệu ngắn gọn về bản thân

"Kể lể" chính là điều mà bạn cần tránh. Nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm quá nhiều về tiểu sử hay cuộc đời, gia đình của bạn mà họ cần những thông tin quan trọng, liên hệ trực tiếp đến những gì bạn có thể đóng góp cho tập thể. Vậy nên việc giới thiệu thông tin cá nhân quá dài dòng sẽ gây "mất điểm". Thay vào đó, bạn chỉ nên nói sơ lược vài điều căn bản nhất như tên, tuổi, quê quán, sau đó thì chuyển qua những thông tin quan trọng hơn nhé.

3. Sơ lược về trình độ học vấn và những bằng cấp, chứng chỉ đã đạt được

Sau phần giới thiệu thông tin cá nhân, bạn hãy nhắc qua về quá trình học tập của mình. Điều cần tập trung ở đây là tốt nghiệp trường nào, ngành gì, điểm GPA là bao nhiêu,...

Thực chất những thông tin này đều đã có trong CV rồi, nhưng việc giới thiệu lại bằng lời của mình sẽ tạo cơ hội để bạn thể hiện trình độ chuyên môn một cách trực tiếp hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể nêu ra một số bằng cấp, chứng chỉ, thành tích, giải thưởng,... liên quan tới vị trí công việc đang ứng tuyển để giúp nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng của bạn rõ hơn.

4. Tập trung vào yếu tố kinh nghiệm làm việc

Đây là phần nhà tuyển dụng rất quan tâm. Thực chất, phần kinh nghiệm làm việc trong CV của bạn đã được thể hiện rất rõ. Vậy nên bạn chỉ cần liệt kê lại một cách tóm tắt quá trình làm việc của bản thân và tập trung vào những kinh nghiệm mình đã đạt được thôi nhé.

Ví dụ nếu bạn phỏng vấn cho vị trí Kỹ sư giám sát thi công, bạn cần nêu những dự án mình đã tham gia cùng một vài kỹ năng đặc thù liên quan trực tiếp đến vị trí mình đang ứng tuyển vào như tính toán; vẽ và mô hình hóa thiết kế; thành thạo các phần mềm thiết kế; hiểu biết về các loại vật liệu; kiến thức về an toàn xây dựng;...

5. Chia sẻ về ưu - nhược điểm của bản thân

Đối với việc kể ra những ưu - nhược điểm của bản thân, nhà tuyển dụng sẽ xem xét mức độ tự đánh giá mà ứng viên thể hiện. Từ đó, quyết định người này có phù hợp với vị trí công việc cũng như môi trường, văn hóa công ty hay không.

Về ưu điểm, bạn nên kể rõ ràng, ngắn gọn những khía cạnh nổi bật của bản thân, càng liên quan đến vị trí ứng tuyển càng tốt. Chú ý, tuyệt đối không nên quá khoe khoang, PR "lố" chính mình. Thay vào đó, hãy thể hiện thái độ khiêm tốn, cầu tiến để chiếm trọn thiện cảm từ phía nhà tuyển dụng.

Còn về phần khuyết điểm, bạn nên khéo léo nhắc tới những cái "yếu" còn tồn tại ở bản thân. Tuy nhiên, điều cần thiết là bạn phải đưa ra được dự định, phương hướng cũng như hành động để khắc phục chúng chứ không phải chỉ nêu cho có.

6. Bày tỏ định hướng phát triển của bản thân với vị trí công việc đang ứng tuyển

Để kết thúc phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, bạn nên đề cập tới những dự định phát triển trong tương lai ở vị trí công việc mình ứng tuyển vào. Đồng thời, thể hiện nguyện vọng cũng như định hướng gắn bó lâu dài với công ty.

Trong một số trường hợp, bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng một vài thông tin về các khóa học đào tạo chuyên sâu phục vụ cho công việc. Sự chủ động này cũng chính là một điểm cộng khá lớn, giúp bạn dễ "nhận diện" hơn so với các ứng viên khác.

II. Một vài lưu ý để tăng "độ nhận diện" khi giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn

Tùy vào từng đối tượng ứng viên sẽ có những cách thể hiện bản thân khác nhau trong buổi phỏng vấn xin việc.

1. Đối với ứng viên chưa có kinh nghiệm

Sinh viên mới ra trường là đối tượng dễ gặp căng thẳng, sai sót hơn khi tham gia phỏng vấn xin việc bởi chưa có quá nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế. Vậy nên điều cần thiết là bạn phải giữ cho mình tâm lí ổn định, thái độ tốt. Thay vì nói về những kinh nghiệm làm việc chưa từng có, bạn có thể đưa ra một số hoạt động liên quan đến chuyên ngành, vị trí công việc hiện tại cũng như các kỹ năng mình học được qua những hoạt động đó. Hãy thể hiện bản thân là một người năng động, nhiệt huyết để chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng.

2. Đối với ứng viên đã có kinh nghiệm

Những ứng viên đã đi làm, có nhiều trải nghiệm rồi thường sẽ tự tin, trau chuốt hơn ở nhiều khía cạnh như giao tiếp, dẫn dắt, thuyết phục,... Vậy nên bạn hãy ưu tiên trình bày về kinh nghiệm làm việc, thành tích đạt được qua các dự án nổi bật trước đó cũng như các kỹ năng phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển nhé.

Trên đây là những điều bạn cần biết để có một buổi phỏng vấn xin việc "đầu xuôi đuôi lọt". Hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về cách giới thiệu bản thân cũng như một số tips gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Từ đó, đạt được vị trí công việc mình mong muốn nhé.

Bài viết khác

Xem thêm